Phóng Sự Mùa Nước Nổi Miền Tây

Mùa nước nổi ở miền Tây thường bắt đầu từ tháng bảy đến tháng chín âm lịch. Năm nay, lũ từ thượng nguồn đổ về sớm hơn mọi năm khoảng hai tuần, mực nước cũng cao hơn từ 30 đến 50 cm.
Sản vật trời cho Có thể nói mùa nước nổi - mùa lũ ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long là nét đặc trưng riêng, nguồn lợi lớn cho người và đất phương nam. Không như các địa phương khác, nói đến lũ lụt là nói đến thiên tai, gây nhiều thiệt hại cho con người và đời sống. Ở đồng bằng sông Cửu Long, lũ về thấp hay không về, nước các dòng sông trong xanh, đồng nghĩa thất thu những sản vật trời cho như phù sa bồi đắp đồng ruộng, tôm cá, rau hoa mùa lũ, “dinh dưỡng” bù đắp cho đất sau những vụ mùa tận hiến...
Cánh đồng ngập tràn nước
Mùa nước nổi năm nay được coi là lớn nhất từ năm 2015 trở lại đây. Mùa này đi từ Mộc Hoá, trung tâm của vùng Đồng Tháp Mười đã thấy mênh mông nước. Đa số diện tích lúa đã gặt xong. Mùa lũ, chỉ còn những đồng sen mênh mông bừng sắc trắng, hồng của loài hoa “Tháp Mười đẹp nhất bông sen”. Sang địa phận Hồng Ngự, Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp), đi giữa con đường liên tỉnh 842 và 841 như là “đê bao” chắn nước chia hai khu vực, một bên mênh mông nước từ thượng nguồn-bên kia biên giới đổ về, không biết đâu là đồng ruộng, kinh rạch, bến bờ; một bên là những cánh đồng bát ngát thẳng cánh cò bay, vàng mầu lúa chín trĩu hạt đang chờ gặt. Lác đác là những đồng lúa vừa gặt xong, rơm rạ chất đầy bờ ruộng.
Cánh đồng lúa ngập trong biển nước
Một trong những vựa lúa của đồng bằng phì nhiêu, đất đai màu mỡ là đây. Nơi nghề nông hoàn toàn được làm bằng máy móc khi đến mùa cày ải đất cho vụ mới, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, sau cùng là máy cuốn rơm thành cuộn lớn chuyển về các nơi, cung cấp nguyên liệu cho chăn nuôi gia súc, sản phẩm gia dụng, thủ công mỹ nghệ...
Đồng ruộng ngập tràn nước
Đồng ruộng mênh mông giờ như “biển lớn”, nhộn nhịp giao thông thủy, nơi xuồng ghe, tắc ráng chở hàng hóa thông thương, nông dân buông lưới, giăng câu khai thác nguồn lợi thủy sản như tôm cá, cua ốc... Nhiều nhất là cá linh, cua đồng, ốc lác (như ốc bươu). Đầu mùa nước, cá linh con từ thượng nguồn về nhiều. Lệnh cấm hay cho phép đánh bắt cá linh của cơ quan quản lý tuỳ thuộc vào kích cỡ của con cá.
Người dân đánh bắt cá mùa nước
Người dân thường khai thác cá linh bằng chài lưới hay dớn. Đường qua Tri Tôn, Tịnh Biên (tỉnh An Giang) về phía biên giới giáp Campuchia, hai bên là biển nước mênh mông, dập dờn sóng vỗ vào bờ theo triều lũ cuồn cuộn đổ về.
Xa xa là những cánh đồng thốt nốt ngập nước, dáng thanh mảnh vươn cao trong ráng chiều chạng vạng. Người dân bày bán nhiều sản vật mùa nước nổi: củ năng, củ ấu, ngó sen, bông súng, cua, ốc, bông điên điển... cùng vô số sản phẩm như đường, mứt, bánh... được làm từ trái và nước thốt nốt. Chúng tôi gặp Huy, chàng nông dân đang bơi từ bờ ra đồng bắp ngập trong nước phía xa để “vớt vát” thân bắp về cho bò ăn hoặc làm phân bón. Cánh đồng lúa, bắp, giờ là biển nước ngập sâu chừng mét rưỡi đến hai mét nước.
Ẩm thực mùa nước nổi Mùa nước nổi, thường gặp người dân chèo xuồng đi hái bông điên điển, bông súng, cắt gương sen già, mò ngó sen... Bông điên điển, ngó sen, bông súng nấu lẩu, trộn gỏi tôm thịt rất ngon. Trên những con đường liên tỉnh thuộc địa phận huyện Tân Hưng (Long An), người dân bày bán hạt sen khô, gương sen tươi, ngó sen vừa bứt dưới đầm còn ròng ròng nước thoảng mùi bùn, sữa sen (chế biến từ hạt sen).
Hái bông súng mùa nước nổi
Dừng xe mua 25 ngàn đồng một kg chừng 20 gương sen, bóc vỏ lấy hạt sen trắng tươi, cho vào miệng và cảm nhận vị ngọt bùi vừa phải, chưa có cảm giác đắng của tim sen. Cỡ 30 - 40 ngàn đồng bịch nửa ký hạt sen tươi. Sen này về nấu chè ngon vô kể, không cần hầm lâu, đủ sần sật và tan nhẹ nhàng giữa vị ngọt đường thốt nốt hay đường phèn thanh nhã.
Ẩm thực miền Tây vốn nổi tiếng với nhiều món ngon, gắn với các sản vật địa phương cùng cách chế biến độc đáo. Càng đi sâu miệt phương nam, khám phá văn hóa ẩm thực Nam Bộ, du khách càng bị quyến rũ bởi bản sắc riêng biệt, được giữ gìn và sáng tạo phong phú.
Món ăn quen thuộc lẫu mắm cá linh
Những món ngon gây thương, gây nhớ còn gắn với ẩm thực khẩn hoang thời ông cha ta mở cõi. Những món: cơm gà lá sen, cá lóc nướng trui, cá lóc hấp bầu, vịt nấu chao, lươn um lá nhàu, gỏi lá sầu đâu trộn khô cá lóc một nắng nướng, cá chốt nướng muối ớt... đã hấp dẫn, mùa nước nổi, các món ngon gắn liền với sản vật trời cho như lẩu cá linh bông điên điển, tép đồng xào bông điên điển, cá linh chiên giòn, ốc lác hầm tiêu... càng cuốn hút thực khách phương xa.
Trên đường đi Tịnh Biên về phía Núi Cấm có hàng chục quán bánh xèo cuốn với đủ loại rau rừng: đọt xoài, lá đinh lăng, lá cóc, tần dày lá, cát lòi, đọt bứa, cẩm xuyên, lá cách... Nơi đây có hẳn nghề tìm hái rau rừng để cung cấp cho những làng bánh xèo khu vực Núi Cấm. Mùa mưa, cũng là mùa nước nổi, nhiều loại lá rừng xanh tươi, mơn mởn được săn tìm.
Khách thưởng thức món bánh xèo cũng là dịp tìm hiểu tên và lợi ích của khoảng 30 loại lá rừng, vừa là thực phẩm, vừa là vị thuốc. Một chiều chập choạng nào đó, cùng bạn bè ngồi trên chòi giữa đồng nước, hay nhà sàn mé sông Mekong, thưởng thức miếng khô cá lóc một nắng nướng than trộn với lá sầu đâu, chanh, đường, ớt, tỏi... cảm nhận vị thơm ngon của cá, đăng đắng của lá, chua chua ngòn ngọt của tất cả nguyên liệu hoà quyện lạ lùng. Nhấp thêm ngụm rượu nếp cẩm thì không gì bằng.
Cá linh đầu mùa cỡ nhỏ, chỉ cần rửa sạch, ướp muối, nấu lẩu hay chiên giòn ăn cả xương, mềm và giòn rụm. Món lẩu cá linh như một tác phẩm sắc mầu, nước lèo nâu đỏ váng cà chua, mầu vàng của bông điên điển, khóm (dứa), mầu xanh của hành lá, kèo nèo... thơm, ngon ngọt hết biết. Chỉ đồng đất này, nơi cùng trời cuối đất này, mới sản sinh ra tính cách con người, hương vị món ăn, cùng vẻ đẹp của một vùng đất đến một lần mà thương nhớ mãi với phong cảnh và thiên nhiên đặc trưng không đâu có.