Hướng Dẫn Tham Quan Lăng Thoại Ngọc Hầu | Tour Cần Thơ - Hà Tiên

Từ thời xa xưa, Châu Đốc đã là vùng đất thiêng với nhiều chùa chiền, miếu mạo; chỉ riêng khu vực núi Sam, có trên 150 ngôi chùa, am, miễu, cốc nằm rải rác trên sườn núi và dưới chân núi. Khu du lịch Núi Sam là một địa danh đặc biệt của đất nước ta.
Nơi đây lưu lại những câu chuyện từ thời mở cỏi đất phương Nam có khí hậu trong lành, bốn bề gió lộng, lại hội tụ 5 cụm di tích lịch sử văn hóa ý nghĩa trở thành điểm đến hấp dẫn của Châu Đốc.
Tiêu biểu có Lăng Thoại Ngọc Hầu, một trong những thắng cảnh đẹp nhất ở núi Sam, bên cạnh chùa Hang, chùa Tây An, Miếu Bà Chúa Xứ.

Lăng Thoại Ngọc Hầu ở đâu? Đi như thế nào?

Lăng Thoại Ngọc Hầu là một trong nhiều di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của vùng Châu Đốc. Lăng Thoại Ngọc Hầu còn được gọi là Sơn Lăng. Đây là công trình kiến trúc duy nhất còn nguyên vẹn từ thời nhà Nguyễn. Hiện nay lăng tọa lạc ngay tại dưới chân núi Sam, rất gần với miếu Bà Chúa Xứ và Chùa Tây An.

Đường đi

Từ TP. HCM, du khách muốn đến đây có thể xuống tới TP Châu Đốc (chợ Châu Đốc) rồi đi theo hướng dẫn sau:

Đi dọc đường Thoại Ngọc Hầu > Tân Lộ Kiều Lương > đi qua ngã 3 và bưu điện Núi Sam, đi qua Tây An Cổ Tự và miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam là tới. Lăng nằm ở phía đối diện với miếu Bà (bên tay trái của bạn).

Phương tiện di chuyển

Bạn có thể đi ô tô, xe khách hoặc xe máy xuống đây. Trường hợp đã ở Châu Đốc rồi thì bạn có thể thuê xe máy, taxi, xe kéo… để đi lại. Trường hợp đi đông người thì nên thuê taxi. Nếu đi ít người mà dự tính đi nhiều nơi trong ngày thì có thể thuê xe máy. Nếu bạn chỉ có thời gian đi thăm thú buổi tối thì nên đi taxi vì từ trung tâm Thành phố đến đây không phải là gần (tầm 5-6km), và người dân địa phương nghỉ ngơi khá sớm.

Lịch sử lăng Thoại Ngọc Hầu

Thoại Ngọc Hầu (1761-1829) có tên thật là Nguyễn Văn Thoại, quê ở Quảng Nam. Về sau ông theo chân gia đình đến định cư ở Vĩnh Long. Thoại Ngọc Hầu là người được triều Nguyễn cử đi khai mở và trấn giữ vùng đất An Giang. Ông là một danh tướng lẫy lừng đã cống hiến suốt đời mình cho việc mở mang và phát triển bờ cõi, giữ vững bình yên cho vùng đất Tây Nam Bộ. Ông là một trong những người đã phò tá chúa Nguyễn Ánh thống nhất giang sơn.

Bên cạnh việc tham gia nhiều trận đánh chống lại quân đội nhà Tây Sơn, Thoại Ngọc Hầu cũng thường xuyên được cử đi các nước láng giềng Lào, Xiêm, Chân Lạp với nhiệm vụ ngoại giao.

Về sau, khi lên làm Trấn thủ Vĩnh Thanh (năm 1818), ông đã cho đào kênh Đông Xuyên nối từ Long Xuyên đến Rạch Giá – dài 31km. Công trình khổng lồ này có vai trò vô cùng quan trọng trong kinh tế và giao thông của khu vực.

Chính vì những gì ông đã cống hiến, vua Gia Long đã cho lấy tên ông để đặt tên cho con kênh đào cũng như ngọn núi ở đây. Đó cũng chính là nguồn gốc cái tên kênh Thoại Hà, núi Thoại Sơn.

Không dừng lại ở đó, năm 1819, ông tiếp tục được giao trọng trách đào con kênh theo biên giới Tây Nam. Kênh này đi từ Châu Đốc – biển Hà Tiên, dài gấp 3 con kênh Thoại Hà. Con kênh này được xem là quyết định cho sự hưng vượng của đất nước, vừa giúp phòng giữ vùng biên, vừa giúp nhân dân buôn bán thuận lợi. Đây là tâm huyết, mồ hôi xương máu của Nguyễn Văn Thoại và chính thất của ông – bà Châu Thị Tế, cùng 80.000 dân binh. Tổng thời gian hoàn thành là 5 năm. Với sự đóng góp của bà Châu Thị Tế, vua đã cho lấy tên bà đặt cho kênh – gọi là kênh Vĩnh Tế.

Thoại Ngọc Hầu thọ 68 tuổi. Sau khi mất, ông được vua Minh Mạng truy tặng Tráng Võ tướng quân, Trụ quốc Đô thống.

Tuy có nhiều công lao là vậy, sau khi Nguyễn Văn Thoại mất không lâu, ông lại vô tình dính phải nhiều hàm oan và bao nhiêu công lao của ông gần như bị “phủi” sạch. Với những “sấm sét” liên tục giáng xuống, con cháu của Thoại Ngọc Hầu bị tước hết mọi thứ, mấy đời sống trong khổ cực như thứ dân.4

Mãi cho đến đời vua Khải Định, Thoại Ngọc Hầu mới được minh oan. Tới năm 1924, danh dự của ông mới hoàn toàn được phục hồi – được phong thần, danh hiệu là Đoan Tức Dực Bảo Trung Hưng Tôn thần. Năm 1943, ông tiếp tục được phong là Quang Ý Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng thần. Thế nhưng trong lòng những người dân vùng sông Hậu, không cần đến những sắc dụ của triều đình, công lao của ông mãi mãi được khắc ghi, ông được xem là vị phúc thần từ khi ông còn sống cho đến những năm về dau.

Kiến trúc lăng Thoại Ngọc Hầu An Giang

Lăng Thoại Ngọc Hầu nằm giữa không gian mang vẻ đẹp uy nghi của ngọn núi Sam. Phía trước lăng có một khoảng sân rộng. Đây cũng là nơi an nghỉ của ông cùng hai vị phu nhân. Sau này, người dân còn cho xây dựng thêm: một đình dùng để chứa tấm bia Thoại Sơn bằng đá cẩm thạch trắng; đình còn lại để ngựa và người lính hầu. Bia Vĩnh Tế Sơn được dựng lên từ năm 1828; được làm bằng đá sa thạch và được khắc 730 chữ Hán.

Những công lao của ông Thoại Ngọc Hầu đến giờ ca dao vẫn còn ghi lại: ” Đi ngang qua cảnh núi Sam, Thấy lăng ông lớn hai hàng lụy rơi. Ông ngồi vì nước vì đời, Hy sinh tài sản không rời nước non. Nước kênh Vĩnh Tế lờ đờ, Nhớ ông Bảo Hộ dựng cờ chiêu an. Đồng An Trường chó ngáp, Làng Quới Thiện trồng lác bốn mùa. Nhớ ông Bảo Hộ ngày xưa, Dựng làng, mở cõi nắng mưa dãi dầu”.

Các Khách sạn gần Lăng Thoại Ngọc Hầu:

Lăng Thoại Ngọc Hầu nằm ở khu vực chân núi Sam – cụm di tích tâm linh nổi tiếng ở Châu Đốc. Do đó khu vực này có rất nhiều các khách sạn, nhà nghỉ phục vụ khách hàng hương. Chính vì vậy điểm lưu trú ở đây là rất nhiều. Tuy nhiên vì có nhiều khách hành hương nên các phòng trọ khu vực này không đảm bảo an ninh và khá ồn. Do đó du khách nên lưu trú tại khách sạn.

Các khách sạn mà bạn có thể tham khảo:

  • Khách Sạn Huệ Bình
  • Khách sạn Bến Đá Núi Sam
  • Khách Sạn Hạ Long
  • Khách Sạn Á Châu 7
  • Ha Long Hotel
  • Khách sạn Hoàng Mai
  • Khách Sạn Sông Sao
  • Khách Sạn Hải Châu
  • Khách Sạn Thanh Bình
  • Khách Sạn Hoàng Đức
  • The Luxe Hotel Châu Đốc
  • Khách sạn Victoria Châu Đốc
  • Khách Sạn Bảo Bảo
  • Khách sạn Ngọc Phú

Các quán ăn, quán cà phê gần lăng Thoại Ngọc Hầu

Xung quanh lăng và các địa điểm tham quan gần đó là rất nhiều quán cơm, quán tạp hóa bán đặc sản và đồ cúng. Đặc biệt là con đường từ ngã 3 – bưu điện Núi Sam lên cho đến gần lăng. Bên cạnh đó là rất nhiều cửa hàng rau quả dưới chân núi.

Một số cái tên quán cơm, quán cà phê có hiển thị trên bản đồ Google Maps hiện nay là:

  • Quán cơm Thanh
  • Tiệm Cơm Thảo
  • Quán cơm Thanh Trúc
  • Cà phê Trí Sang